Ngô thức Thái cực yếu lĩnh Ngô_thức_Thái_cực_quyền

Yếu lĩnh luyện tập Ngô thức Thái cực quyền được chia làm 3 giai đoạn[2] và tùy mỗi giai đoạn sẽ có các phép tắc riêng.

Trong giai đoạn đầu tiên của quá trình luyện tập bài Thái cực quyền, không cần hỏi đã có hay không có luyện qua một loại võ thuật nào khác mà người tập ngay lập tức cần thiết nắm vững và thực hành 4 điểm[3] quan trọng: khinh (nhẹ nhàng, không cần gắng sức phát lực), mạn (chậm rãi), viên (tròn trịa), vân (đều đặn).

Trong giai đoạn 2, khi người tập đã vượt qua cơ bản công, bắt đầu bước vào giai đoạn cần nắm vững 4 điểm[4]: linh hoạt (lấy hình động tác để tìm sự linh hoạt, gọn gàng, tự do, hơi nhanh hơn giai đoạn 1); tùng tịnh (buông lỏng, lắng đọng, không gắng gượng mà để tự nhiên); hoàn chỉnh (phối hợp nhịp nhàng toàn thân thành một khối thống nhất); liên quán (quyền thức liên tiếp, xuyên suốt từ đầu đến cuối không gián đoạn).

Vượt qua hai giai đoạn sơ trung nói trên, ở người tập về phương diện động tác đã đạt sự hoàn thiện cơ sở, bắt đầu bước vào giai đoạn 3 với các yếu lĩnh tối cao gồm[5] phân hư thực (nhanh chậm, cứng mềm, nặng nhẹ trong thủ-bộ-cước pháp v.v. đều phải hết sức chú tâm); điều hòa hô hấp (khí trầm đan điền, hơi thở liên quán với động tác, hô hấp thâm sâu, tự nhiên); dụng ý thức (dụng ý bất dụng lực, bình tĩnh lăng đọng); cầu hư tịnh (là công phu khó luyện nhất trong Thái cực quyền họ Ngô nhằm đạt cảnh giới tối cao "lấy tĩnh điều khiển động", "trong động tìm tĩnh" và "tuy động cũng như tĩnh").